Giá xăng Việt Nam cao hơn Mỹ: Chuyện khách quan

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Với giá xăng dầu chỉ nên so sánh với các nước có cùng trình độ phát triển về kinh tế, cùng một điều kiện mới thấy được sự khác biệt.

Xăng Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới: Tại thuế

Global Petrol Prices - chuyên trang thống kê giá xăng của các nước trên thế giới vừa công bố báo cáo giá xăng dầu tính đến ngày 8/2.

Theo đó, giá xăng trung bình của Việt Nam đang ở mức 0,7 USD một lít. Sau khi giảm lần thứ 3 liên tiếp trong năm 2016, hiện giá xăng RON 92 chỉ còn 14.713 đồng. Đây là mức giá thấp kỷ lục kể từ năm 2009.

So với mức trung bình của thế giới là 0,96 USD, giá xăng của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 0,26 USD, tương đương 27%.

xang-vn-thap-hon-27-so-voi-tg-yeu-to-quyet-dinh_162211529.jpg

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 16/2, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết: "Chính sách an ninh năng lượng và năng lượng quốc gia thực của từng nước sẽ tùy thuộc vào chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Như giá xăng dầu sẽ phải phù hợp với sự phát triển kinh tế của từng nước, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của nước đó, nhưng tất cả các nước đều có chỉ số chung là chỉ số giá dầu quốc tế.

Còn những bảng xếp hạng về giá xăng dầu hiện nay, chỉ mang tính chất so sánh giá trị tuyệt đối, bởi vì, rõ ràng giá xăng dầu của một số nước sản xuất dầu, có chính sách bảo hộ và bù lỗ như Indonesia, Malaysia hay một số nước sản xuất vùng vịnh như Venezuela sẽ rất thấp.

Các nước này coi đó là an sinh xã hội, là cách để thoát ly ra khỏi giá dầu quốc tế, nên không nằm trong phạm trù các nước có xu hướng thị trường hoặc hoạt động theo cơ chế thị trường".

Bên cạnh đó, theo ông Bảo, đối với Việt Nam, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu vẫn đang được vận hành đúng quy định. Trong đó, phải cân bằng thuế, phí, để đảm bảo cho hoạt động kinh tế vĩ mô, việc này thuộc phận sự của các cơ quan quản lý nhà nước.

Còn giá dầu cứ áp vào bao nhiêu thì sẽ giảm giá xăng bấy nhiêu, chúng ta thấy thời gian gần đây giá xăng đã giảm liên tục.

Nhưng qua việc Global Petrol Prices thống kê như vậy, cũng cho thấy Việt Nam đang ở mức giá và suất thuế rất thấp, mỗi nước sẽ có một chính sách riêng nên giá xăng sẽ không thể giống nhau.

Xăng Việt Nam cao hơn xăng Mỹ: Cũng tại thuế

Trong khi đó, dù giá xăng thấp hơn so với thế giới, nhưng xăng ở Việt Nam vẫn cao hơn giá xăng ở Mỹ (0,53 USD).

Theo ông Bảo, giá xăng của Việt Nam vẫn cao hơn Indonesia, Malaysia, đơn giản vì họ sử dụng chính sách không thuế, bù lỗ. Riêng Mỹ, đây là một thị trường tiêu thụ hết sức khác biệt, họ là nước tiêu thụ xăng dầu hàng đầu cho nước mình, cho các nước Tây Âu và Nhật Bản.

Dù xăng dầu là một năng lượng không thể thiếu đối với một quốc gia, nhưng nó vẫn phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia đó.

"Chúng ta không thể so sánh giá xăng với các quốc gia khác, đặc biệt không thể so với Mỹ, vì rõ ràng cùng một mặt bằng giá dầu như thế, nhưng một bên có thuế và một bên không có thuế, thì chắc chắn sẽ có bên đắt hơn.

Mỹ gần như một thị trường kinh doanh tự do hoàn toàn, ngân sách phát triển từ nhiều nguồn. Hơn nữa, tập tục sử dụng xăng dầu của Mỹ, từ lâu nay chưa bao giờ đặt ra chính sách tiết kiệm năng lượng.

Họ chỉ phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật để tiết kiệm, để hiệu suất máy cao, chứ không phải tiết kiệm năng lượng thông qua hạn chế xăng dầu.

Vì thế, Mỹ có ngôn từ hoặc từ vựng liên quan đến vấn đề này rất khác nhau. Ví dụ: Việt Nam có ngày lễ, nghỉ hè, nghỉ đông, thì Mỹ quy định từ tháng 6 đến tháng 8 là "Mùa lái xe - Driving season", thay bằng ngôn ngữ mùa du lịch của chúng ta.

Điều đó chứng tỏ cả xã hội và thị trường của Mỹ quan niệm đó là kỳ nghỉ để sử dụng xe cộ, nên xu thế tiêu dùng ở Mỹ đối với xăng dầu rất khác Việt Nam. Và sự khác biệt lớn nhất đó chính là chính sách thuế, chính sách tài chính", ông Bảo chỉ rõ.

Theo phân tích của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xăng dầu VN thì có những trường hợp có thể so sánh mang tính tuyệt đối được, nhưng có những trường hợp liên quan đến chính sách thì phải nhìn vào tổng thể chính sách vĩ mô của quốc gia đó.

Nói đơn giản, chúng ta vẫn nhập xăng từ Singapore, tại sao thị trường giá xăng Singapore vẫn cao hơn chúng ta mấy chục % như vậy. Bởi vì, chính sách của họ không khuyến khích sử dụng xe cá nhân, chỉ đầu tư vào phát triển phương tiện công cộng.

Còn ở Mỹ không có phương tiện công cộng, nếu không có xe cá nhân là không thể di chuyển, nên người ta thay việc phát triển hệ thống công cộng đa dạng, mạnh mẽ bằng xe cá nhân.

"Nên khi nói đến giá xăng dầu, thì phải so sánh mang tính chất kinh tế, chỉ nên so sánh với các nước có cùng trình độ phát triển về kinh tế, cùng một điều kiện mới thấy được sự khác biệt, chứ không nên so sánh giá của thị trường này khác với thị trường khác", ông Bảo nhấn mạnh.

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo ông Bảo, xăng của Việt Nam có thuế tiêu thụ đặc biệt, tất cả các mặt hàng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đều là những mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng như rượu bia, thuốc lá, xăng dầu, đó là chính sách.

Ở nhiều nước không tồn tại thuế tiêu thụ đặc biệt, họ quan niệm không cần khuyến khích, cũng như không cần hạn chế, nên xóa bỏ. Còn nếu phải hạch toán giá đầu vào nhập bao nhiêu, sản xuất bao nhiêu, thì Mỹ cũng giống như Việt Nam và tất cả các nước khác.

Đối với xăng dầu Việt Nam, ông Bảo nói: "Nguồn đóng góp của xăng dầu cho ngân sách nhà nước hàng năm trung bình khoảng 7-10%, con số này vẫn được duy trì trong nhiều năm nay.

Rõ ràng đây là nguồn ngân sách duy trì hoạt động cho đất nước, không thể triệt tiêu, còn doanh nghiệp kinh doanh thì ai cũng muốn là không có thuế. Chỉ là hoàn thành trách nhiệm của một doanh nghiệp là vận hành cho đúng luật, đúng chính sách, đúng chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước".

Châu An - Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top