Một năm đầy thành công của BSR

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Với sự nỗ lực vượt bậc, năm 2017, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã gặt hái được nhiều thành công với kết quả sản xuất kinh doanh ấn tượng.

Năm 2017 là năm Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) phải thực hiện nhiều sự kiện quan trọng như: bảo dưỡng tổng thể, IPO, thực hiện các thủ tục để mở rộng và nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung quất… vừa phải đảm bảo hoạt động, sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả. Tuy nhiên với sự nỗ lực không ngừng của Ban lãnh đạo và toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên của đơn vị đã gặt hái được nhiều thành công khi mà các nhiệm vụ quan trọng đã được Công ty hoàn thành một cách ngoạn mục.

Hoàn thành và vượt tiến độ bảo dưỡng tổng thể

Đúng ngày 25/7, Ông Lê Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng Ban Bảo dưỡng Sửa chữa (nhà máy lọc dầu Dung Quất) thông báo: Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã chính thức hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể lần 3 khi khởi động lại thành công Phân xưởng RFCC (Phân xưởng quan trọng nhất để sản xuất các sản phẩm xăng dầu khác nhau) và vận hành đạt 100% công suất thiết kế, vượt tiến độ hơn 01 ngày so với kế hoạch đề ra (tương đương kế hoạch chế biến dầu thô thêm 10 ngày), đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 303 tỷ đồng.

dau-an-bsr-2017_2.jpg

Đợt bảo dưỡng này chia thành 7 gói thầu chính với khối lượng công việc khổng lồ hơn 7.500 đầu mục công việc, trong đó khoảng 2.150 hạng mục thiết bị tĩnh; 3.475 thiết bị tự động hoá; 303 thiết bị điện và 56 thiết bị quay...

Theo đó, BSR có 52 ngày để thực hiện công tác bảo dưỡng nhà máy lọc dầu Dung Quất, trong đó, có 38 ngày là tập trung để bảo dưỡng còn lại là thời gian dừng máy, khởi động, vận hành chạy lại nhà máy.

Các nhà thầu tham gia bảo dưỡng tổng thể lần 3 đều có năng lực và nhiều kinh nghiệm, có tiến độ đề xuất và chi phí hợp lý. Ba nhà thầu nước ngoài trúng thầu đến từ Singapore, Malaysia và Hàn Quốc đều là nhà thầu có kinh nghiệm bảo dưỡng các nhà máy lọc dầu trên thế giới và đã tham gia thực hiện bảo dưỡng Nhà máy lọc dầu Dung Quất các lần trước đó.

Tham gia công tác bảo dưỡng tổng thể lần này ngoài lực lượng nhân sự của các nhà thầu, còn có sự đóng góp tích cực của trên 1.200 kỹ sư, công nhân của BSR. Khác với các đợt bảo dưỡng tổng thể trước khi lập kế hoạch, phương án và các giải pháp kỹ thuật phần lớn nhờ chuyên gia nước ngoài, thì lần này do chính các nhân sự của BSR quyết định.

Bên cạnh đó, BSR đã tự thực hiện nhiều hạng mục công việc quan trọng, phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và trình độ chuyên môn cao như bảo dưỡng thiết bị quay, thiết bị điện, tự động hóa và các hệ thống điều khiển DCS… Tất cả quy trình bảo dưỡng, sửa chữa được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo Nhà máy hoạt động an toàn, liên tục, ổn định, hiệu quả sau khi vận hành trở lại.

Thành công của bảo dưỡng tổng thể lần này đã giúp Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành và cho ra sản phẩm sớm hơn 10 ngày so với kế hoạch, góp phần tăng thêm doanh thu cho BSR hơn 1.507 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 303 tỷ đồng và mang lại thêm gần 300 tỷ đồng lợi nhuận.

Sản xuất kinh doanh ấn tượng

Phát huy thành quả trong công tác bảo dưỡng tổng thể lần 3, năm 2017, là năm BSR có kết quả sản xuất kinh doanh ấn tượng. Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV BSR cho biết: Năm 2017, Sản lượng sản xuất 6,1 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ gần 6,1 triệu tấn. Doanh thu ước đạt 80.517 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 10.392 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 8.035 tỷ đồng. Bên cạnh các chỉ số SXKD tăng thì các chỉ số về tiêu hao năng lượng, hóa phẩm xúc tác, tồn kho… của NMLD Dung Quất ngày càng giảm.

Năm 2017, Nhà máy vận hành liên tục, ổn định ở công suất trung bình 105% công suất thiết kế. Trong năm 2017, Xưởng Cơ khí đã được Tổ chức ASME và NB của Mỹ đánh giá thành công và nhận được bộ chứng chỉ U, S và R, xác nhận chính thức năng lực của Xưởng trong việc chế tạo và sửa chữa thiết bị áp lực theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Xưởng bảo dưỡng cũng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận trở thành Trung tâm hiệu chuẩn theo tiêu chuẩn ISO-17025.

dau-an-bsr-2017_1.jpg

Năm qua, BSR đã lên kế hoạch thực hiện 19 giải pháp tối ưu hóa năng lượng.Tính đến nay, việc triển khai thành công 09/20 giải pháp; trong đó có 06 giải pháp đã được ước tính hiệu quả kinh tế tiết giảm cho Công ty khoảng 1,45 triệu USD/năm và một số lợi ích vô hình khác không tính được bằng tiền và 03 giải pháp đang trong giai đoạn thu thập số liệu và báo cáo hiệu quả kinh tế.. Ngoài ra, BSR tiết kiệm chi phí trong năm 2017 so với KH ước đạt giá trị 932,82 tỷ đồng (vượt kế hoạch tiết kiệm cả năm là 97,2%).

Đặc biệt, tính đến nay, Công ty BSR đạt được 15 triệu giờ công an toàn không có tai nạn lao động mất ngày công.

Sau gần 9 năm đi vào hoạt động từ tháng 2/2009, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862,5 ngàn tỉ đồng (~38 tỉ USD), nộp ngân sách Nhà nước hơn 143,1 nghìn tỉ đồng (gần 7 tỉ USD). Các chỉ số tài chính của Công ty BSR trong 11 tháng 2017 đều ở mức cao với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 23,79% (năm 2016 là 14,06%); Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 9,98% (năm 2016 là 6,10%).

Năm 2017, BSR chiếm 16% doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Nộp ngân sách Nhà nước chiếm 10% PVN. Đặc biệt, BSR đóng góp 33% lợi nhuận toàn PVN. Theo tính toán, một người lao động BSR một năm làm ra trên 50 tỷ đồng doanh thu, trên 5 tỷ đồng lợi nhuận và nộp ngân sách gần 7 tỷ đồng, sản xuất 4.000 tấn sản phẩm.

IPO thành công 242 triệu cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn

Ngày 17/1, sau nhiều năm chuẩn bị, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị thuộc tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Theo đó, toàn bộ 241.556.969 cổ phần (tương đương 7,79% cổ phần BSR) đã được đấu giá thành công. Mức giá trúng đấu giá thấp nhất là 20.800 đồng. Mức giá cao nhất là 14.800.000 đồng. Và mức giá trung bình là 23.043 đồng. Dự kiến, Nhà nước thu về hơn 5.566 tỷ đồng sau đợt IPO này của Công ty BSR. Sau phiên đấu giá, tổng số nhà đầu tư trúng giá là 623; trong đó 62 tổ chức, 561 cá nhân. Nhà đầu tư nước ngoài trúng hơn 147 triệu cổ phần, còn lại nhà đầu tư trong nước.

Từ ngày 19/12/2017 đến 9/1/2018, đã có hàng nghìn lượt cổ đông lẻ và tập thể đăng ký mua cổ phần BSR tại các điểm đăng ký đấu giá tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Sau 3 tuần, có tổng số 4.079 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Công ty BSR, trong đó có 3.957 nhà đầu tư cá nhân trong nước, 7 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, 48 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 67 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Tổng khối lượng cổ phần đăng ký đợt IPO này là 651.789.522 cổ phần, gấp 2,7 lần lượng chào bán, trong đó lượng đặt mua của nhà đầu tư cá nhân trong nước là hơn 248 triệu cổ phần, của tổ chức nước ngoài là hơn 338 triệu cổ phần.

Sau đợt đấu giá này, BSR sẽ bán tiếp cho nhà đầu tư chiến lược 49% cổ phần (bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước). Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 43% cổ phần tại BSR.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: BSR là doanh nghiệp nhà nước có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa. Tương lai, BSR sẽ phát triển bền vững trên cơ sở những yếu tố thuận lợi của kết quả SXKD những năm qua, cộng với công nghệ tiên tiến và sự trưởng thành trong nắm bắt khoa học công nghệ của đội ngũ kỹ sư vận hành NMLD Dung Quất. PVN luôn hỗ trợ tối đa cho BSR trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, ổn định nguồn dầu thô và quản trị doanh nghiệp hiện đại.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đặc biệt đến cổ phần BSR, mong muốn trở thành đối tác chiến lược, như Tập đoàn Vitol (Thụy Sĩ), Tập đoàn SNT (Mỹ), Tập đoàn Macron Petroleum (châu Phi), Tập đoàn Năng lượng Repsol (Tây Ban Nha)… Ở trong nước, Tập đoàn Petrolimex cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua việc mua cổ phần của BSR, và ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất.

Hiện Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang khẩn trương triển khai Dự án mở rộng nhà máy để đưa vào hoạt động vào năm 2022, với tổng mức đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD, trong đó 30% là vốn tự có và 70% là vốn vay (tương đương khoảng 1,2 tỷ USD). Công suất nhà máy sau khi nâng cấp sẽ tăng từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu một năm và sản phẩm sẽ đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5.

Bước sang năm 2018, Lọc hóa dầu tiếp tục khẩn trương hoàn thành trong công tác, kế hoạch năm mới, trong đó chú trọng trong việc nâng cấp, mở rộng nhà máy Lọc dầu, để mãi xứng đáng là đơn vị đầu tàu kinh tế miền Trung.

Sỹ Thắng
baotintuc.vn
 

Việc làm nổi bật

Top