PVTEX hoàn tất đánh giá thiết bị máy móc NMXS Đình Vũ

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sau hơn 2 tháng tích cực thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty CP Hóa dầu & Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) hoàn tất công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng máy móc thiết bị Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ.

Để đánh giá toàn bộ máy móc thiết bị (MMTB) của một nhà máy có công nghệ phức tạp như NMXS Đình Vũ quả thật không phải đơn giản. Chỉ tính riêng thiết bị chuyên ngành toàn bộ nhà máy có đến hơn 10 nghìn hạng mục gồm chuyên ngành cơ khí thiết bị động, thiết bị tĩnh, chuyên ngành điện, điều hòa thông gió, hệ thống thiết bị đo lường và điều khiển tự động (C&I)… Đấy là chưa kể đến các thiết bị cần thực hiện kiểm định theo quy định của Nhà nước như van an toàn, bồn bể chịu áp, thiết bị đo áp lực (976 hạng mục), các thiết bị cần thí nghiệm về điện (35 hạng mục) và thiết bị phòng thí nghiệm - kiểm tra chất lượng sản phẩm (63 hạng mục)…

Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng MMTB và lập kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) của NMXS Đình Vũ, cần phải tính đến một số yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng tiến độ chuẩn bị vận hành lại nhà máy. Trước hết là việc dừng nhà máy trong thời gian hơn 2 năm nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vể MMTB do hao mòn tĩnh, cơ lý khác…

Trước tình hình đội ngũ CBCNV PVTEX do đang tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc chuyển công tác nên PVN và các đơn vị thành viên đã điều động 68 chuyên gia về bảo dưỡng, tự động hóa đến hỗ trợ PVTEX kiểm tra đánh giá MMTB của nhà máy. Các chuyên gia này đã cùng với số lượng kỹ sư, công nhân vận hành ít ỏi còn lại của PVTEX nỗ lực nắm bắt về công nghệ và thiết bị đặc thù của nhà máy, nhanh chóng đưa ra các đánh giá bước đầu về các hệ thống thiết bị của NMXS Đình Vũ.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Giám đốc PVTEX, hơn 2 tháng qua, PVTEX đã nỗ lực hết khả năng xây dựng kế hoạch, triển khai và thực hiện kiểm tra đánh giá tình trạng cho 63 hạng mục phòng thí nghiệm và 564 hạng mục mẫu theo các chuyên ngành (trong tổng số 10.017 hạng mục của nhà máy) để làm cơ sở lập danh mục vật tư, công cụ dụng cụ, máy móc thiết bị và dịch vụ kỹ thuật cho việc hoàn thiện kế hoạch BDSC. Công tác này được tiến hành đồng thời cùng đợt kiểm tra, đánh giá tình trạng MMTB của các chuyên gia phía các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước tại nhà máy. PVTEX đã nhận được nhiều khuyến nghị và học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu về các hạng mục công việc cần thực hiện để khởi động lại nhà máy.

pvtex-hoan-tat-danh-gia-thiet-bi-may-moc-nmxs-dinh-vu.jpg

Theo đánh giá bước đầu về 564 hạng mục mẫu các chuyên ngành (điện, C&I, Cơ khí thiết bị...) thì hầu hết các thiết bị trong tình trạng vẫn có thể hoạt động ổn định, một số thiết bị phân tích, thiết bị động cần hiệu chỉnh, bảo dưỡng định kỳ. Riêng một số thiết bị phòng thí nghiệm - đánh giá chất lượng sản phẩm, hóa chất dung dịch phân tích mẫu cần thay thế do hết hạn sử dụng.

Căn cứ vào kết quả đánh giá tình trạng MMTB, lịch sử vận hành, bảo dưỡng và kế hoạch đã lập trước đây, PVTEX đã xác định các hạng mục cần thiết phải thực hiện công tác BDSC. Cụ thể, thiết bị theo chuyên ngành gồm 3402/10.017 hạng mục, thiết bị cần thực hiện kiểm định theo quy định của Nhà nước (van an toàn, bồn bể chịu áp, thiết bị đo áp...) có 976 hạng mục, thiết bị cần thực hiện thí nghiệm điện gồm 35 hạng mục và thiết bị phòng Lab có 63 hạng mục cần bảo dưỡng sửa chữa, thay thế. Các hạng mục còn lại vẫn được kiểm tra và vệ sinh theo quy trình trước khi khởi động lại nhà máy.

Qua trao đổi, đánh giá cùng chuyên gia vận hành của các đối tác đối tác tiềm năng và trên cơ sở kết quả đánh giá tình trạng MMTB, lãnh đạo PVTEX nhận định rằng, có thể hoàn thành BDSC, đưa nhà máy khởi động và vận hành ổn định trở lại trong thời gian khoảng 6 tháng. Đợt bảo dưỡng này có các công tác chính cần triển khai đồng thời như rà soát, cập nhật danh mục các công việc BDSC, hoàn thiện, bổ sung các đơn hàng mua vật tư, thuê dịch vụ, cập nhật kế hoạch chi tiết, tiến độ thực hiện các hạng mục BDSC. Trong đó, triển khai thực hiện công tác BDSC trong khoảng 120 ngày và công tác kiểm tra lại lần cuối trước khi vận hành các cụm thiết bị sẽ mất khoảng 15 ngày.

Theo Tổng giám đốc PVTEX Vũ Phụng Hoàng, tổng chi phí dự kiến cho toàn bộ công tác BDSC NMXS Đình Vũ có thể vận hành trở lại vào khoảng 57,7 tỉ đồng. Đáng chú ý, sau khi tiến hành đánh giá tổng thể, với sự trợ giúp đầy ý nghĩa của các đối tác, một số hạng mục chi phí đã được dự toán giảm hơn 7 tỉ đồng. Trong đó, một số hạng mục thiết bị lớn sau khi đánh giá tình trạng không cần phải bảo dưỡng sửa chữa (giảm 1,8 tỉ đồng), một số hạng mục PVTEX đề xuất các đơn vị trong ngành hỗ trợ cũng giảm chi phí khoảng 3,2 tỉ đồng và một số hạng mục báo giá cập nhật cũng giảm khoảng 1,4 tỉ đồng. Còn lại 0,61 tỉ đồng chi phí bảo dưỡng được chuyển vào kế hoạch bảo dưỡng định kỳ nhà máy trong 5 năm tới.

Có thể nói, công tác đánh giá tình trạng TBMM của NMXS Đình Vũ đã hoàn tất bước đầu. Đây là không chỉ là tiền đề quan trọng cho việc quyết định vận hành trở lại NMXS Đình Vũ trong tương lai mà còn thể hiện quyết tâm của cán bộ, công nhân viên PVTEX nói riêng và PVN nói chung thực hiện cam kết với lãnh đạo Bộ Công Thương, Thường trực Chính phủ về công tác khắc phục các dự án yếu kém ngành công thương giai đoạn 2015-2020.

PVTEX dự kiến thời gian để bảo dưỡng sửa chữa, đưa NMXS Đình Vũ khởi động và vận hành ổn định trở lại trong thời gian khoảng 6 tháng.

Thành Công
petrotimes.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top