Sau "trả giá đắt", PVN phải đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Với giá đắt phải trả sau nhiều năm triển khai các dự án đầu tư yếu kém, bài học “khắc cốt ghi tâm” với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lúc này chính là phải đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp.

Những “tử huyệt” trong quản lý

Phát triển nóng đa ngành, vội vã trong triển khai đầu tư các dự án ngoài ngành cốt lõi và không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ trong đầu tư, quản lý đầu tư, quản trị doanh nghiệp là những nguyên nhân khiến PVN bị thất thoát vốn, đầu tư kém hiệu quả tại 5 dự án giai đoạn 2009-2010.

091858_dungquat.jpg

Các kỹ sư kiểm tra kỹ thuật thiết bị lắp đặt của Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio Ethanol Dung Quất. Ảnh: Hà Thái/TTXVN
Đây là đề dẫn tham luận quan trọng của Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San tại Hội thảo “Ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế” cuối tháng 9 vừa qua.

Thất bại này càng trầm trọng hơn khi giá dầu rớt đáy kéo dài ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận và khả năng cân đối tài chính cho hoạt động cốt lõi của PVN.

Đây chính là bài học cần được phân tích, đánh giá, đăc biệt là các nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguồn gốc và môi trường tạo nên những thất bại này, Chủ tịch Hội Dầu khí Ngô Thường San chỉ rõ.

Đồng quan điểm này, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tiền thân của PVN Hồ Sỹ Thoảng cho biết, với bất cứ một dự án đầu tư triển khai nào cũng cần phải có luận chứng kinh tế cụ thể, nghiêm túc; trong đó phải tính kỹ các khó khăn trên cơ sở tiếp thu một cách cầu thị các ý kiến phản biện của chuyên gia để không bị “phóng lên thành dự án nào cũng có lãi cả”.

Theo ông Thoảng, các dự án Ethanol của PVN đi từ sắn đã không lường trước được các khó khăn phát sinh về nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra dựa trên cơ sở khoa học về thị trường và về xã hội.

Vì vậy, việc triển khai đầu tư các dự án này đã mắc phải sai lầm giống hệt như phong trào đầu tư ồ ạt xây nhà máy mía đường trước đây, mà hệ quả là thua lỗ phải đóng cửa.

Về phía PVN, Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, 5 dự án không hiệu quả của PVN được đầu tư và triển khai xây dựng trong giai đoạn 2009 - 2010.

Ngoại trừ dự án Ethanol Phú Thọ, các dự án khác đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thì bị thua lỗ, một số dự án đã bị hết vốn chủ sở hữu.

Nguyên nhân là do vốn đầu tư cho dự án này quá lớn dẫn đến giá thành sản xuất bị đội lên cao. Thêm vào đó, các dự án sản xuất tại thời điểm không thuận lợi về thị trường, về mặt chính sách thuế nhập khẩu.

Điều đó dẫn đến hiệu quả của các dự án này không như dự báo ban đầu, ông Sơn khẳng định.

Ví dụ như với dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, giá nguyên liệu đầu vào của các dự án ethanol chiếm tới 70% giá thành sản phẩm.

Trong khi đó, giá sắn hiện nay cao gần gấp đôi so với giá sắn ban đầu khi lập báo cáo đầu tư.

Ngoài ra, trong bối cảnh giá dầu giảm sâu và duy trì ở mức thấp trong thời gian dài đã làm cho giá sản phẩm đầu ra là ethanol cao, không cạnh tranh nổi với xăng.

Tất cả những điều đó làm cho sản phẩm không mang lại hiệu quả so với tài sản đã đầu tư.

Theo đó, các dự án này về mặt kinh tế đang là gánh nặng đối với Tập đoàn, đồng thời gây ảnh hưởng không tốt đối với hình ảnh, uy tín và thương hiệu PVN.

Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại yếu kém, PVN đang tập trung xử lý các dự án yếu kém, triển khai các giải pháp để cắt lỗ và có thể sắp tới triển khai có hiệu quả, ông Sơn cho biết.

Đổi mới mô hình quản trị

Với trọng trách quản lý khối tài sản cực lớn của Nhà nước, PVN cần được xác lập một cơ chế tự chủ hơn trong hoạt động đi đôi với cơ chế quy trách nhiệm nghiêm túc và chặt chẽ hơn nữa với người đứng đầu.

“Quyền tự chủ và trách nhiệm của người đứng đầu phải đi đôi với nhau nếu không PVN không thể phát triển bền vững được”, nguyên Tổng Giám đốc PVN Hồ Sỹ Thoảng chỉ rõ.

Làm rõ thêm ý kiến này, ông Phan Ngọc Trung, thành viên Hội đồng Thành viên PVN, nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, trong quản trị doanh nghiệp, công tác nhân sự là đặc biệt quan trọng bởi phải tìm ra được người lãnh đạo phù hợp, có đủ năng lực quản lý, hiểu sâu sắc về ngành bởi dầu khí là ngành rất đặc thù.

Ví dụ như cán bộ kỹ thuật mà lên làm lãnh đạo tại PVN hoặc một nhân sự rất am hiểu về thương mại thì khi điều hành một Tập đoàn đặc thù về kỹ thuật như dầu khí chưa hẳn đã hiệu quả.

“Người lãnh đạo ngành dầu khí phải là sự tổng hoà của kiến thức chuyên môn sâu sắc về ngành dầu khí, cộng thêm khả năng quản lý điều hành doanh nghiệp lớn”, ông Trung chia sẻ.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San cho biết, mô hình hoạt động của PVN đang bộc lộ những khiếm khuyết trong tổ chức cán bộ, quản lý điều hành và quản trị doanh nghiệp.

Mô hình hoạt động vẫn mang nặng cơ chế xin - cho, thiếu tính tự chủ đã hạn chế rất nhiều đến hiệu quả của một Tập đoàn kinh tế lớn.

Để khắc phục những vấn đề tồn tại trong mô hình hoạt động Tập đoàn, PVN đang triển khai 3 nhóm giải pháp đột phá; trong đó, giải pháp về quản lý được đặc biệt ưu tiên, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết.

Hiện PVN đang thực hiện chủ trương và lộ trình tái cơ cấu trong toàn hệ thống nhằm sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo đúng định hướng của Chính phủ; trong đó tập trung vào quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

PVN đang đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính và các doanh nghiệp kém hiệu quả để bố trí lại nguồn lực, tập trung đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh có lợi thế của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Tập đoàn đang hoàn thiện cơ cấu tổ chức tại bộ máy điều hành, với mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; cơ cấu lãnh đạo và số lượng nhân sự hợp lý; nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là các kiến thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến phù hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật và tình hình thực tế sản xuất kinh doanh.

Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, ngành dầu khí Việt Nam đã từng vượt qua muôn vàn gian khổ.

Có những lúc khó khăn có thể tác động đến tâm tư tình cảm, nhưng ý chí của người làm dầu khí thì luôn vững vàng và điều này đã trở thành truyền thống, thành giá trị cốt lõi của văn hóa Dầu khí.

Tính đến hết tháng 10/2017, PVN đã hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách Nhà nước cả năm 2017 với giá trị 76.100 tỷ đồng, vượt 2% so với kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016.

Sản lượng khai thác dầu thô trong nước của PVN trong 10 tháng qua đã vượt 323.000 tấn so với kế hoạch được giao./.

Anh Nguyễn/TTXVN​
 

Việc làm nổi bật

Top