Cấm vận dầu mỏ sẽ gây hậu quả ra sao với Venezuela?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Theo giới phân tích, Venezuela sẽ phải chịu một cú sốc kinh tế rất lớn nếu Mỹ thực hiện lời đe dọa áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của quốc gia Nam Mỹ này, song động thái đó không đảm bảo sẽ dẫn đến bất cứ sự thay đổi nào trong ban lãnh đạo ở Caracas.

Trong chuyến thăm tới Buenos Aires đầu tháng Hai vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đề xuất cấm vận dầu mỏ đối với Venezuela. Ông cho biết, Mỹ vẫn đang xem xét trừng phạt hoặc cấm Venezuela xuất khẩu dầu mỏ sang Mỹ. Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và các quan chức chính quyền Caracas, đồng thời cấm các thực thể của Mỹ mua lại các khoản nợ của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Venezuela (PDVSA).

Kịch bản tồi cho Venezuela

Mỹ hiện là khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Venezuela. 96% doanh thu từ xuất khẩu "vàng đen" của quốc gia Nam Mỹ là từ Mỹ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela đang sa sút, với tình trạng sản lượng giảm và bế tắc trong tài chính. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Venezuela là nhà cung cấp dầu thô và các mặt hàng dầu mỏ lớn thứ tư của Mỹ.

Trong năm 2017, Mỹ đã nhập 600.000 thùng dầu/ngày từ Venezuela, chiếm 1/3 sản lượng dầu mỏ xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, lượng dầu thô mà Venezuela xuất sang Mỹ trong năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1991.

Chuyên gia kinh tế Cesar Aristumuno cho biết xuất khẩu dầu mỏ sang Mỹ đóng góp tới 75% nguồn thu ngoại tệ của Venezuela và một lệnh cấm vận của Mỹ sẽ là kịch bản "tồi tệ" nhất. Chuyên gia này giải thích rằng 1/3 sản lượng dầu thô - tức 1,6 triệu thùng/ngày (theo số liệu của OPEC) - được xuất sang Trung Quốc và Nga để trả nợ, và một lượng nhỏ cũng được cung cấp cho các nước vùng Caribbbean.

170415_MW-FH180_oil_pd_20170302132429_ZH.jpg

Một lượng dầu được bơm lên để tiêu thụ trong nước, phục vụ tầng lớp dân chúng có thể mua xăng với giá gần như cho không, khi 1 USD (theo tỷ giá chợ đen) có thể mua được 214.000 lít. Venezuela hiện cũng nhập 160.000 thùng dầu/ngày từ Mỹ, bởi họ phải pha dầu thô đặc của mình với dầu nhập khẩu là loại dầu thô nhẹ để tinh luyện. Chuyên gia về dầu mỏ Orlando Ochoa cho biết, Venezuela có thể mua dầu thô của Algeria hoặc Nigeria, nhưng với giá cao hơn rất nhiều.

Nguồn cung không dễ thay thế

Ngành dầu mỏ Venezuela hiện đang rơi vào tình trạng ảm đạm. Dữ liệu mới nhất của PDVSA cho thấy sản lượng dự trữ đang trong thời kỳ sút kém nhất trong 3 thập kỷ qua, trừ giai đoạn đình công kéo dài 3 tháng hồi cuối năm 2002 đầu 2003. Theo công ty tư vấn Eurasia Group, lượng tiền mặt tiếp tục suy giảm, và nguy cơ bị áp đặt các lệnh trừng phạt mới ngày càng trở nên rõ ràng.

Giá dầu mỏ thế giới đã phục hồi kể từ đợt sụt giá kỷ lục giai đoạn 2014-2015, và hiện một thùng dầu thô của Venezuela được bán với giá khoảng 60 USD. Tuy nhiên, cả Chính phủ Venezuela và PDVSA đều đang trong tình cảnh vỡ nợ một phần do thanh toán nợ chậm. Quốc gia Nam Mỹ lâm vào suy thoái trầm trọng kể từ năm 2014, hiện phải gánh khoản nợ khoảng 150 tỷ USD, trong đó 30% số nợ thuộc về PDVSA. Công ty Ecoanalitica ước tính thu nhập từ dầu mỏ sẽ mang về 25 tỷ USD trong năm nay, với 8 tỷ USD sẽ được dùng để trả nợ.

Trong khi Mỹ là một khách hàng lớn của Venezuela, dầu thô của Venezuela chỉ chiếm 8% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ. Chuyên gia James Williams thuộc công ty tư vấn WRTG Economics cho rằng bất cứ biện pháp trừng phạt nào từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đều có thể theo 2 hướng: hoặc là hạn chế nhập khẩu, hoặc giới hạn lượng dầu thô nhẹ xuất sang Venezuela.

Để đáp ứng nhu cầu của mình, Washington có thể tăng cường nhập khẩu từ Mexico và Canada. Tuy nhiên, cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Venezuela sẽ ảnh hưởng đến một số nhà máy lọc dầu ở Mỹ, trong đó có một công ty chi nhánh của PDVSA là CITGO. Và điều này "có nghĩa là giá khí đốt tại Mỹ sẽ tăng".

Trong khi đó, chuyên gia Ochoa cũng lưu ý rằng do các thông số kỹ thuật lọc dầu, (Mỹ) không thể dễ dàng thay thế nguồn dầu mỏ của Venezuela.

Cấm vận hay không cấm vận?

Tuy nhiên, ngay cả các nước chỉ trích Tổng thống Venezuela Maduro cũng phản đối cấm vận Venezuela. Bộ trưởng Năng lượng Mexico Pedro Joaquin Coldwell tuyên bố "Mexico sẽ không áp đặt trừng phạt dầu mỏ. Mexico lo ngại về 'những hậu quả có thể xảy ra' đối với Venezuela và các nước khu vực Caribbean.

170012_Untitled.jpg

Cử chỉ của Tổng thống Nicolas Maduro khi đăng ký tham gia tranh cử Tổng thống vào tháng Tư tới, tại trụ sở của Hội đồng bầu cử Quốc gia (CNE) tại Caracas, ngày 27/2. (Nguồn: Reuters)
Người dân Venezuela đang phải vật lộn với tình trạng siêu lạm phát mà theo dự báo của IMF sẽ tăng lên tới 13.000% trong năm nay cũng như tình trạng thiếu thực phẩm và thuốc men thiết yếu. Cuộc khủng hoảng trầm trọng này đã dẫn đến một cuộc di dân. Khoảng 500.000 người đã rời bỏ Venezuela để sang nước láng giềng Colombia và 40.000 người chạy sang Brazil.

Tác động chính trị của các biện pháp trừng phạt dầu mỏ là không chắc chắn. Luis Vicente Leon thuộc công ty thăm dò Datanalisis của Venezuela cho rằng: "Có sự nhầm lẫn trong số những người tin rằng biện pháp cô lập và trừng phạt sẽ chỉ ảnh hưởng đến Chính phủ Venezuela". Theo ông, "tác động của việc cô lập và trừng phạt sẽ phá hoại nền kinh tế nước này. Tất cả chúng ta đều cảm thấy rằng không có gì đảm bảo sẽ có sự thay đổi về chính trị". Trong khi đó, ông Maduro tuyên bố sẵn sàng đương đầu với bất cứ biện pháp trừng phạt nào tiếp theo.

Theo Datanalisis, ông Maduro không được lòng dân, với 75% dân chúng không ủng hộ chính sách quản lý của ông. Tuy nhiên, 90% cử tri nước này cũng phản đối một lệnh cấm vận. Chuyên gia Ochoa nhận định: "Các biện pháp trừng phạt nên thúc đẩy chính phủ (Venezuela) ngồi vào bàn đàm phán". Tuy nhiên, liệu các bên có tìm ra tiếng nói chung hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.

Báo Quốc tế
 

Việc làm nổi bật

Top